ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, LĨNH VỰC, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THEO QUY ĐỊNHCỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ 2017 Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ này được giao cho Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Luật Trợ giúp pháp lý lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ các dự án quốc tế, do đó đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh thể chế để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý. Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua đó tiếp tục khẳng định TGPL là một yếu tố quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự, là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho đối tượng được TGPL. Luật Trợ giúp pháp lý được bố cục thành 8 chương, 48 điều quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, hoạt động TGPL và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động TGPL. |